(Những hình ảnh chỉ có tính chất tham khảo, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa, mức độ bị bệnh của từng người)
Thời gian gần đây, ngành thẩm mỹ đã ứng dụng thành công kỹ thuật dùng tia laser để khắc phục những khiếm khuyết bẩm sinh này.
Ông Huỳnh Việt Dũng, Phân viện trưởng Phân viện Vật lý y sinh học (Q.1, TP.HCM), thuộc Viện Khoa học và công nghệ quân sự – Bộ Quốc phòng cho biết: tùy vào loại tổn thương, cũng như độ nông hay sâu của các tổn thương mà các loại laser được lựa chọn cho phù hợp để điều trị. Sự hấp thụ nhanh và mạnh mẽ năng lượng ánh sáng của tia laser, sẽ làm nhạt đi các sắc tố gây bớt, nám. Với hệ thống lọc tự nhiên của cơ thể, các chất bị phân hủy sẽ dần dần được đưa ra bên ngoài cơ thể qua quá trình thực bào hoặc các quá trình đào thải khác.
Điều trị vết nám bằng tia laser
Khác với một số phương pháp thông thường, phương pháp trị liệu bằng laser có nhiều ưu điểm như: hiệu quả cao đối với các vết bớt sậm màu, đặc biệt là các bớt ở sâu dưới da, đồng thời do sự hấp thụ chọn lọc của sắc tố, nên các tế bào da không bị tổn thương, do đó không gây hại cho da, không để lại các sẹo di chứng. Từ nhiều năm nay, Phân viện Vật lý y sinh học đã nghiên cứu và chữa trị thành công hàng ngàn trường hợp bằng kỹ thuật laser.
Hiện nay, với kỹ thuật dùng tia laser phân hủy quang nhiệt chọn lọc, các chuyên gia đã giúp khôi phục làn da gần như bình thường cho bệnh nhân. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là phải nắm vững quy trình điều trị, có phác đồ điều trị đúng, đồng thời phải chẩn đoán chính xác, lựa chọn cách điều trị phù hợp nhất cho từng loại tổn thương, để có thể can thiệp với bước sóng, thời gian chiếu, độ rộng xung, mật độ năng lượng phù hợp.
Ông Dũng lưu ý, hiện có một số cơ sở điều trị nám, bớt bằng tia laser CO2 (thường dùng cắt đốt điều trị sùi mào gà, hạt cơm, u mềm) để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể gây nên các tác hại lớn như da dễ bị bỏng, vết đốt chuyển thành sẹo lồi, sẹo xấu do loại laser này thường chỉ sử dụng như một con dao mổ chứ không tác động chọn lọc lên các sắc tố.
Kết quả điều trị cũng còn phụ thuộc vào diện tích, vị trí, đặc biệt là độ nông sâu của lớp tổn thương sắc tố. Đối với bớt nằm gần mắt, nếu kỹ thuật viên không có sự am hiểu cặn kẽ về kỹ thuật laser, thiếu kinh nghiệm, có thể gây nguy hiểm cho mắt. Chất lượng các máy laser cũng mang lại hiệu quả khác nhau. Loại máy có chất lượng thấp sẽ cho hiệu quả điều trị thấp, thậm chí có thể gây tai biến trong quá trình điều trị. Thời gian điều trị vết nám, vết bớt nhanh hay chậm phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Khoảng cách giữa các lần điều trị từ sáu đến tám tuần.
Để tăng nhanh hiệu quả, một số trường hợp điều trị laser phải kết hợp dùng kem, vitamine C… Điều đặc biệt cần lưu ý: điều trị vết bớt là một liệu trình đòi hỏi bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ, phải chịu khó, kiên trì trong việc chăm sóc vùng điều trị sau khi can thiệp. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tránh da bị tái tăng sinh sắc tố.