Phòng Khám Da Liễu tại TP.HCM Làm đẹp Tiêm Filler là gì? Ưu điểm và Nhược điểm của tiêm Filler thẩm mỹ?

Tiêm Filler là gì? Ưu điểm và Nhược điểm của tiêm Filler thẩm mỹ?

Tiêm filler là một trong những phương pháp thẩm mỹ nội khoa phổ biến. Phương pháp này sử dụng chất làm đầy tiêm trực tiếp vào da nhằm cải thiện sẹo lõm, làm mờ nếp nhăn, đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa trên khuôn mặt và tạo hình môi, má, thái dương, cằm,… Để hiểu hơn về phương pháp tiêm filler, ưu điểm – hạn chế, bạn đọc có thể tham khảo một số thông tin tổng hợp trong bài viết sau.

Tiêm FillerTiêm Filler
Tiêm Filler là gì? Có nên thực hiện không?

Tiêm filler là gì?

Tiêm filler là thủ thuật thẩm mỹ nội khoa, sử dụng hoạt chất có khả năng làm đầy tiêm trực tiếp vào bên trong lớp trung bì nhằm tăng thể tích tại vị trí tiêm, cải thiện độ căng bóng, mịn màng của làn da và làm mờ các nếp nhăn trên khuôn mặt. Ngoài ra, thủ thuật này còn có khả năng tạo hình một số cơ quan có diện tích nhỏ như môi, mũi, má, thái dương và cằm.

Tiêm filler là phương pháp xâm lấn tối thiểu, có quy trình thực hiện khá đơn giản, thời gian thực hiện nhanh và chế độ chăm sóc không quá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, phần lớn các hợp chất được sử dụng để tiêm đều có khả năng hấp thu vào cơ thể. Vì vậy, tiêm filler chỉ có tác dụng tạm thời trong vài tháng đến vài năm tùy vào cơ địa và chế độ chăm sóc của từng người.

Tiêm filler và các ứng dụng trong thẩm mỹ

Với khả năng tăng thể tích da và tạo hình khuôn mặt, tiêm filler được ứng dụng trong nhiều dịch vụ thẩm mỹ như:

1. Xóa nếp nhăn, giúp da căng bóng

Xóa nếp nhăn và cải thiện độ căng bóng của làn da là một trong những ứng dụng đầu tiên của thủ thuật tiêm filler. Thủ thuật này có khả năng làm đầy rãnh nhăn, từ đó xóa mờ nếp nhăn ở hai đầu lông mày, đuôi mắt và khóe miệng. Ngoài ra, tiêm filler còn giúp da căng bóng, mịn màng và hạn chế tình trạng da chùng, chảy xệ do ảnh hưởng của tuổi tác.

Tiêm Filler là gìTiêm Filler là gì
Tiêm filler được ứng dụng để xóa nếp, rãnh nhăn và giúp làn da căng bóng, săn chắc

Nếu sử dụng với mục đích xóa nếp nhăn và làm căng bóng làn da, bác sĩ thường sử dụng các loại filler có khả năng tan nhanh nhằm phủ đều làn da và cải thiện các dấu hiệu tuổi tác trên khuôn mặt. Hiện nay, một số loại filler còn có khả năng tăng độ ẩm và kích thích da sản sinh collagen, elastin.

2. Điều trị sẹo rỗ

là loại sẹo có dạng lõm hình thành khi sợi collagen và elastin trong da bị đứt gãy. Loại sẹo này thường xảy ra do mụn trứng cá, tai nạn hoặc do thủy đậu. Với khả năng làm đầy, tiêm filler còn được ứng dụng trong điều trị sẹo rỗ. Chất làm đầy sẽ được tiêm trực tiếp lên sẹo rỗ nhằm làm đầy vết lõm và giúp cải thiện bề mặt da nhanh chóng.

Tuy nhiên, tiêm filler chủ yếu được áp dụng cho các vết sẹo có kích thước lớn và sâu. Với sẹo lõm có kích thước nhỏ và số lượng nhiều, điều trị ưu tiên là sử dụng thuốc bôi, ứng dụng phương pháp laser và lăn kim.

3. Làm chậm quá trình lão hóa da

Ngoài ra, tiêm filler còn được ứng dụng để trẻ hóa làn da và làm chậm quá trình lão hóa. Đối với mục đích này, bác sĩ thường lựa chọn các loại filler có khả năng cấp nước và tăng sinh collagen như Acid hyaluronic, Collagen,… Bên cạnh khả năng làm đầy và căng bóng da, các loại filler này còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa và duy trì làn da căng bóng, khỏe mạnh.

4. Làm đầy quầng mắt dưới

Quầng mắt dưới sâu, trũng khiến khuôn mặt trở nên già nua, thiếu sức sống và mệt mỏi. Tiêm filler có thể khắc phục khuyết điểm này bằng cách làm đầy quầng mắt dưới và hỗ trợ giảm các nếp nhăn nhỏ ở xung quanh.

5. Tạo hình khuôn mặt

Ngoài ra, tiêm filler còn được ứng dụng để tạo hình khuôn mặt. Đối với mục đích này, bác sĩ thường sử dụng các loại filler có khả năng tan chậm nhằm tạo hình môi, mũi, má, thái dương,… và giúp duy trì kết quả tạo hình trong thời gian lâu dài nhất.

tiêm filler có tác dụng gìtiêm filler có tác dụng gì
Thủ thuật tiêm filler còn giúp tạo hình mũi, cằm, thái dương, má và môi
  • Tiêm filler mũi giúp nâng sống mũi mà không cần can thiệp phẫu thuật
  • Tiêm filler môi giúp tạo hình môi trái tim, hạt lựu, đồng thời giúp nữ giới sở hữu đôi môi căng mọng và quyến rũ.
  • Tiêm filler cằm giúp khuôn mặt thon gọn, cải thiện được khuyết điểm cằm lẹm, ngắn,…
  • Tiêm filler tạo má baby giúp khuôn mặt tròn tĩnh, trẻ trung và rạng rỡ
  • Tiêm filler vùng thái dương dành cho người có vùng thái dương hóp, khuôn mặt dài và thiếu sự trẻ trung

Ngoài ra, tiêm filler còn được ứng dụng để tạo hình một số cơ quan khác nhưng chủ yếu là các cơ quan có diện tích nhỏ.

Các loại filler thường được sử dụng trong thẩm mỹ

Hiện nay có khá nhiều loại filler được sử dụng trong ngành công nghiệp thẩm mỹ và được phân chia theo nguồn gốc, cơ chế tác dụng, thời gian hiệu lực,… Dưới đây là một số loại filler được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:

1. Filler collagen

Filler collagen là một trong những loại filler đầu tiên. Vào năm 1977 – 1978, collagen chiết từ bò được sử dụng để làm đầy nếp nhăn do lão hóa và nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Đến năm 1981, loại filler này đã được FDA chấp thuận. Hiện nay, filler collagen chủ yếu được chiết xuất từ heo và tạo liên kết chéo với đường ribose tự nhiên.

Filler collagen có khả năng ổn định nhanh, ít khi tràn ra ngoài khu vực tiêm và không phải test da trước khi thực hiện. Loại filler này thường được ứng dụng để xóa nếp nhăn, rãnh nhăn, tăng độ căng bóng và cải thiện tình trạng da chảy xệ, kém săn chắc do ảnh hưởng của tuổi tác.

2. Filler silicone lỏng

Filler silicone lỏng (polydimethylsiloxane) được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1950 và đã được FDA chấp thuận. Tuy nhiên, loại filler này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy khi filler collagen ra đời, filler silicone lỏng chính thức bị FDA cấm sử dụng trong các dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên vào năm 1990, FDA chấp thuận cho sử dụng 2 loại silicone lỏng siêu tinh khiết là Adatosil 5000 và Silikon 1000.

Silicone lỏng không màu, không mùi, không vị và có khả năng ổn định cao. Loại filler này không bị biến đổi trong phạm vi nhiệt độ của con người và có khả năng làm đầy lý tưởng.

3. Acid hyaluronic (HA)

Acid hyaluronic là loại filler được sử dụng phổ biến nhất hiện này. HA là một polysacaride tự nhiên có trong dịch thủy tinh thể, sụn khớp, các mô liên kết, dịch ổ khớp, dây rốn và lớp trung bì của da. Chính vì là hợp chất có sẵn trong cơ thể nên Acid hyaluronic có khả năng tương thích cao và ít xảy ra biến chứng khi sử dụng.

Ưu nhược điểm của tiêm fillerƯu nhược điểm của tiêm filler
Hyaluronic acid là loại filler được sử dụng phổ biến và được đánh giá an toàn nhất hiện nay

Loại filler này được bào chế ở dạng lỏng và được chuyển hóa hoàn toàn sau khi tiêm vào da. Hiện nay, filler Acid hyaluronic đã được cải tiến và đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau như làm đầy nếp nhăn, tạo hình mũi, môi và khuôn mặt. Tuy nhiên, loại filler này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ do sử dụng sản phẩm không phù hợp như nổi ban đỏ, phù chuyển hóa và xuất hiện các nốt sần màu xanh.

4. Polymethylmethacrylate (PMMA)

Polymethylmethacrylate là chất làm đầy vĩnh viễn đầu tiên và duy nhất được FDA chấp thuận cho phép sử dụng trong các dịch vụ thẩm mỹ. Loại filler này chứa hơn 92.6% nước đẳng trương chứa 3.5% collagen bò và 20% vi cầu PMMA. Filler Polymethylmethacrylate thường được ứng dụng để điều trị sẹo rỗ và xóa nếp nhăn.

Mặc dù được đánh giá là loại filler vĩnh viễn nhưng kết quả lâm sàng thường không kéo dài vì quá trình lão hóa da khiến filler bị chảy tràn qua những vùng da khác và làm phát sinh các tác dụng phụ muộn.

5. Calcium hydroxylapatite (CaHA)

CaHA là loại filler tổng hợp được bào chế ở dạng bán rắn với 70% gel dẫn là carboxymethyl cellulose và 30% vi cầu CaHA tổng hợp. Loại filler này có khả năng tan dần sau khi tiêm, sau đó để lộ các vi cầu và có khả năng kích thích nguyên bào sợi. Từ đó giúp lắng đọng collagen tại vị trí tiêm trong thời gian từ 12 – 18 tháng.

Calcium hydroxylapatite là loại filler không gây ra đáp ứng miễn dịch, không có tính kháng nguyên và được đánh giá cho hiệu lực bán vĩnh viễn hoặc lâu dài. Thành phần trong loại filler này tương tự khoáng chất tự nhiên có trong răng và xương nhưng không gây ra hiện tượng vôi hóa hoặc phát triển xương bất thường.

6. Poly-L-Lactic acid (PLA)

Poly-L-Lactic acid được tổng hợp bởi các nhà khoa học tại Pháp vào năm 1952. Loại filler này có khả năng nâng thể tích vùng da cần điều trị với tổng thời gian hiệu lực lên đến 18 tháng.

Ưu nhược điểm của tiêm fillerƯu nhược điểm của tiêm filler
Poly-L-Lactic acid có thể làm đầy thể tích của vùng da ở vị trí tiêm trong vòng 18 tháng

Độ an toàn và hiệu lực của Poly-L-Lactic acid đã được chứng minh qua nhiều thực nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, loại filler này phải được thực hiện từ 2 – 3 đợt mới phục hồi thể tích da như mong muốn. Tuy nhiên, tiêm filler Poly-L-Lactic acid gây xuất hiện các nốt sần trên da có thể nhìn và cảm nhận được. Để khắc phục tình trạng này, cần massage nhẹ lên vùng da mặt 5 lần/ ngày, mỗi lần 5 phút trong 5 ngày sau khi tiêm.

7. Tiêm mỡ tự thân

Tiêm mỡ tự thân là một trong những loại filler phổ biến hiện nay bên cạnh Hyaluronic acid. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy mỡ ở những bộ phận khác (mông, đùi) sau đó tiêm lên vùng da mặt để làm đầy da, cải thiện nếp nhăn và sẹo rỗ. Trong quá trình cấy mỡ, bạn phải sử dụng thuốc an thần và cần khoảng 1 – 2 tuần phục hồi. Tuy nhiên, loại filler này cho hiệu lực lâu dài hơn so với các loại filler tổng hợp.

Tiêm filler có tác dụng phụ không?

Tiêm filler được đánh giá là thủ thuật thẩm mỹ đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng và an toàn hơn so với thẩm mỹ xâm lấn. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ khi thực hiện.

Ưu nhược điểm của tiêm fillerƯu nhược điểm của tiêm filler
Sau khi tiêm filler, da có thể bị đỏ, phát ban, bầm tím và ngứa ngáy nhẹ trong 7 – 14 ngày

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Đỏ
  • Đau ở vị trí tiêm
  • Sưng tấy
  • Phát ban
  • Ngứa ngáy
  • Bầm tím

Các triệu chứng này chủ yếu xảy ra sau khi tiêm và có thể biến mất hoàn toàn trong khoảng 7 – 14 ngày.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Nhiễm trùng
  • Filler chảy ra khỏi vị trí tiêm
  • U hạt (phản ứng viêm của cơ thể với chất làm đầy)
  • Xuất hiện các khối u nhỏ xung quanh vị trí tiêm
  • Tổn thương mạch máu
  • Hoại tử do chất làm đầy chặn động mạch dẫn đến gián đoạn tuần hoàn máu
  • Filler di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác

Để giảm thiểu các tác dụng phụ ít gặp, bạn nên lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và đảm bảo vô trùng tuyệt đối trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần chú ý chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo kết quả của phương pháp và hạn chế rủi ro phát sinh.

Tham khảo thêm:

Đối tượng không nên tiêm filler

Tiêm filler có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với một số trường hợp. Vì vậy, những đối tượng sau không nên áp dụng phương pháp thẩm mỹ này:

Ưu nhược điểm của tiêm fillerƯu nhược điểm của tiêm filler
Phụ nữ mang thai và người đang cho con bú không được tiêm filler
  • Người bị rối loạn đông máu
  • Đang mắc các bệnh ngoài da như mề đay, phát ban, mụn bọc, ,…
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Người dưới 18 tuổi
  • Làn da nhạy cảm và dễ hình thành sẹo lồi

Tiêm filler giữ được bao lâu?

Tiêm filler là phương pháp xâm lấn tối thiểu, quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng và ít xảy ra biến chứng như phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cho hiệu quả tạm thời trong vài tháng đến vài năm tùy vào cơ địa của từng người và loại filler sử dụng.

Vì vậy nếu muốn duy trì kết quả, bạn phải tiêm filler nhắc lại sau một thời gian nhất định. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiêm chất làm tan filler nếu không thực sự hài lòng với kết quả sau khi tiêm. Trung bình tiêm filler có thể giữ được từ 6 – 18 tháng tùy vào từng trường hợp. Sau thời gian này, filler sẽ được hấp thu vào chuyển hóa vào cơ thể mà không cần phải phẫu thuật lấy vật liệu như độn cằm hay nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo.

Ưu điểm – Hạn chế của phương pháp tiêm filler

Tiêm filler là thủ thuật thẩm mỹ phổ biến hiện nay. Thủ thuật này có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu làm đẹp như cải thiện làn da, xóa nếp nhăn, tăng độ đàn hồi, trẻ hóa làn da, tạo hình môi, mũi, má và khuôn mặt. Tuy nhiên trước khi thực hiện, chị em nên cân nhắc giữa ưu điểm và hạn chế của thủ tiêm filler để dễ dàng lựa chọn được thủ thuật phù hợp với nhu cầu và sở thích.

– Ưu điểm:

  • Thời gian thực hiện nhanh (chỉ khoảng 15 – 30 phút)
  • Mức độ xâm lấn thấp, hầu như chỉ gây đau nhẹ, sưng tấy và đỏ trong khoảng vài ngày đầu
  • Tương đối an toàn – đặc biệt filler Acid hyaluronic
  • Có thể tiêm enzyme làm tan filler nếu không hài lòng với kết quả sau khi thực hiện
  • Không phải kiêng cử nhiều và thời gian phục hồi nhanh
  • Chi phí thấp hơn so với phẫu thuật thẩm mỹ

– Mặt hạn chế:

  • Hiệu quả tạm thời, không thể duy trì vĩnh viễn như thẩm mỹ xâm lấn
  • Vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ
  • Chỉ phù hợp với những vùng có diện tích nhỏ như má, cằm, môi,…
  • Không phù hợp với những trường hợp có nhiều khuyết điểm như cánh mũi thấp, vẹo, to bè, cằm lẹm, xương hàm ngang,…

Để được tư vấn kỹ hơn về phương pháp này, bạn đọc có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ Da liễu. Tuyệt đối không tự ý mua filler và tự tiêm tại nhà. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp hoại tử da, thuyên tắc mạch máu, mất thị lực,… do tiêm filler không rõ nguồn gốc.

Tiêm filler có giá bao nhiêu?

Tiêm filler có giá thành tương đối đa dạng tùy thuộc vào loại filler, dung tích filler sử dụng và cơ sở thực hiện. Theo khảo sát trên thị trường, tiêm filler có giá dao động khoảng 6 – 15.000.000 đồng/ 1cc. Để được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề này, vui lòng liên hệ với nhân viên tư vấn tại cơ sở thẩm mỹ.

Bài viết đã tổng hợp một số thông tin liên quan đến phương pháp thẩm mỹ tiêm filler. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu hơn về phương pháp này và dễ dàng lựa chọn được dịch vụ thẩm mỹ phù hợp với sở thích và nhu cầu cá nhân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Leave a Reply