Thuốc Clorpheniramin 4mg thuộc nhóm thuốc kháng histamine H1, được sử dụng để điều trị các tình trạng dị ứng da và dị ứng đường hô hấp trên. Tuy nhiên do tác dụng lên hệ thần kinh trung ương nên thuốc có thể gây an thần, buồn ngủ, ngủ gà, giảm mức độ tập trung,… trong thời gian sử dụng.
Thông tin cơ bản về thuốc Clorpheniramin 4mg
- Hoạt chất: Clorpheniramin meleat 4mg
- Dạng bào chế: Viên nén dài
- Quy cách: Hộp 20 vỉ x 20 viên, hộp 10 vỉ x 20 viên, 1 chai x 100 viên và 1 chai x 200 viên
Thuốc Clorpheniramin 4mg là thuốc gì?
Clorpheniramin là hoạt chất kháng histamine H1 có khả năng đối kháng chọn lọc với histamine ở thụ thể H1. Histamine là chất trung gian gây ra phản ứng dị ứng. Vì vậy Clorpheniramin thường được sử dụng để cải thiện các triệu chứng do dị ứng gây ra (chủ yếu ở da và cơ quan hô hấp trên).
Clorpheniramin meleat được hấp thu khá tốt bằng đường uống, thuốc xuất hiện trong huyết tương sau 30 – 60 phút sử dụng và đạt nồng độ đỉnh sau 2.5 – 6 giờ. Sau khoảng 12 – 15 giờ, thuốc được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chuyển hóa hoặc không đổi.
Chỉ định – Chống chỉ định thuốc Clorpheniramin 4mg
Thuốc Clorpheniramin 4mg được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm mũi dị ứng (sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi,…)
- Dị ứng thức ăn
- Viêm da tiếp xúc (côn trùng cắn, tiếp xúc mủ thực vật,…)
- Phù Quincke
- Viêm kết mạc dị ứng
Thực tế, Clorpheniramin 4mg được sử dụng chủ yếu trong các trường dị ứng đường hô hấp trên.
Chống chỉ định thuốc Clorpheniramin 4mg với các đối tượng sau:
- Các trường hợp quá mẫn với Clorpheniramin hoặc các thành phần khác trong thuốc. Ngoài ra, cần cân nhắc về khả năng dị ứng chéo giữa các loại thuốc cùng nhóm.
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Tắc cổ bàng quang
- Tăng nhãn áp góc đống
- chít
- Tắc môn vị – tá tràng
- Người đang lên cơn hen cấp tính
- Trẻ sơ sinh và trẻ đẻ thiếu tháng
- Phụ nữ đang cho con bú
- Người sử dụng thuốc ức chếmonoamine oxidase trong vòng 14 ngày
Cách sử dụng thuốc Clorpheniramin 4mg
Thuốc Clorpheniramin được bào chế ở dạng viên nén và được sử dụng bằng đường uống. Nên dùng thuốc với nước lọc và nuốt toàn bộ viên thuốc, không nghiền hoặc bẻ thuốc – trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng thuốc Clorpheniramin 4mg phụ thuộc vào mức độ dị ứng, tình trạng sức khỏe và độ tuổi của người sử dụng. Dưới đây là thông tin về liều dùng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất:
- Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: Sử dụng 1 viên/ 3 – 4 lần/ ngày, không dùng quá 6 viên/ ngày
- Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: Dùng ½ viên/ 3 – 4 lần/ ngày
- Trẻ dưới 6 tuổi: Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng
Ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể cân chỉnh liều lượng tùy vào mức độ đáp ứng và tình trạng sức khỏe. Vì vậy nếu không nhận thấy cải thiện khi áp dụng liều lượng thông thường, bạn nên thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Clorpheniramin 4mg
Khi dùng thuốc Clorpheniramin 4mg, cần lưu ý những thông tin sau:
- Clorpheniramin có khả năng gây bí tiểu tiện ở người bị tắc đường niệu, phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị tá tràng và làm nghiêm trọng hơn triệu chứng của người bị bệnh nhược cơ. Vì vậy, bạn cần thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được cân nhắc về rủi ro khi dùng thuốc.
- Thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương nên có khả năng gây an thần. Tác dụng này có thể tăng lên nếu sử dụng rượu hoặc dùng đồng thời với các loại thuốc an thần khác.
- Với người cao tuổi (65 tuổi trở lên), nên cân nhắc về việc giảm liều và theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian sử dụng.
- Thuốc Clorpheniramin có thể gây ngừng thở, suy hô hấp và tăng nguy cơ phát sinh biến chứng hô hấp đối với người mắc bệnh phổi mãn tính, khó thở hoặc thở ngắn.
- Clorpheniramin 4mg có thể gây khô miệng do ức chế quá trình bài tiết nước bọt. Vì vậy sử dụng thuốc dài hạn có thể gây sâu răng ở người cao tuổi. Để hạn chế tình trạng này, nên uống nhiều nước và vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Thuốc có thể gây hoa mắt, chóng mặt, ngủ gà, nhìn mờ và giảm khả năng vận động ở một số trường hợp. Vì vậy nên thận trọng khi tham gia giao thông, làm việc trên cao, vận hành máy móc,… trong thời gian dùng thuốc.
- Chỉ sử dụng thuốc Clorpheniramin cho phụ nữ mang thai trong trường hợp cần thiết và tuyệt đối không sử dụng thuốc trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu phải dùng trong thời gian cho con bú, nên cân nhắc giữa việc ngưng thuốc hoặc ngưng cho trẻ bú để hạn chế rủi ro.
- Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát và khô ráo. Đồng thời phải kiểm tra hạn sử dụng và tình trạng viên thuốc trước khi dùng.
Tác dụng phụ của thuốc Clorpheniramin 4mg
Thuốc Clorpheniramin 4mg có thể gây ra tác dụng an thần từ nhẹ đến nặng. Mức độ của các triệu chứng này có thể nghiêm trọng hơn ở người sử dụng thuốc an thần, lạm dụng rượu bia và người cao tuổi.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Khô miệng
- An thần
- Ngủ gà
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Ngủ sâu
Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc Clorpheniramin 4mg đều có mức độ nhẹ và không nhất thiết phải ngưng thuốc. Tuy nhiên bạn cần chủ động thông báo với bác sĩ để được cân nhắc về việc tiếp tục sử dụng hoặc thay thế bằng loại thuốc khác.
Tương tác thuốc
Khi sử dụng thuốc Clorpheniramin, cần tránh dùng đồng thời với một số loại thuốc sau:
- Phenytoin: Clorpheniramin có thể ức chế khả năng chuyển hóa của Phenytoin và dẫn đến tình trạng ngộ độc.
- Thuốc an thần, rượu: Các loại thuốc an thần và đồ uống chứa cồn có khả năng làm tăng tác dụng an thần của thuốc Clorpheniramin 4mg.
- Thuốc ức chế monoamin oxydase: Loại thuốc này làm tăng tác dụng chống tiết acetylcholine (chất dẫn truyền thần kinh) của thuốc Clorpheniramin và một số loại thuốc thuộc nhóm kháng histamine.
Quá liều – Cách xử trí
Thực nghiệm cho thấy, liều gây chết của Clorpheniramin vào khoảng 25 – 50mg/ kg thể trọng. Trong trường hợp dùng quá liều, bạn có thể nhận thấy một số biểu hiện bất thường như co giật, ngừng thở, lên cơn động kinh, an thần quá mức, loạn tâm thần, trụy tim mạch, loạn nhịp tim, phản ứng loạn trương lực,… Ngay khi phát hiện những triệu chứng này, cần gọi cấp cứu để được xử lý kịp thời.
Đối với quá liều thuốc Clorpheniramin, bác sĩ sẽ tiến hành gây nôn với siro ipecacuanha, sau đó rửa dạ dày bằng than hoạt và thuốc tẩy để giảm khả năng hấp thu thuốc. Kết hợp với điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống (chú ý khả năng hô hấp, hoạt động của tim, gan, thận), bù nước và cân bằng điện giải. Đối với những trường hợp quá liều nặng, bác sĩ có thể cân nhắc truyền máu.
Thuốc Clorpheniramin 4mg giá bao nhiêu?
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại thuốc chứa hoạt chất Clorpheniramin 4mg. Giá thành của thuốc phụ thuộc vào nhà sản xuất và các thành phần đi kèm.
- Thuốc Clorpheniramin 4mg của Công ty dược phẩm Mekophar được bán với giá 30.000 đồng/ hộp 10 vỉ x 20 viên
- Thuốc Clorpheniramin 4mg của Công ty dược Hậu Giang (DHG Pharma) được bán với giá 40.000 đồng/ hộp 10 vỉ x 20 viên nén dài
Tuy nhiên, giá bán của thuốc có thể thay đổi tùy vào cơ sở kinh doanh và thời điểm mua. Vì vậy bạn nên trao đổi với dược sĩ hoặc nhân viên bán hàng để biết giá thành cụ thể.
Xem thêm >>
Một số câu hỏi liên quan đến thuốc Clorpheniramin 4mg
1. Thuốc Clorpheniramin 4mg có phải kháng sinh?
Thuốc Clorpheniramin là thuốc kháng histamine H1 được sử dụng để điều trị dị ứng đường hô hấp và dị ứng ngoài da. Loại thuốc này không phải thuốc kháng sinh (thuốc ức chế và tiêu diệt vi khuẩn).
2. Thuốc Clorpheniramin 4mg có ảnh hưởng đến thai nhi?
Chưa có đủ nghiên cứu cho thấy rủi ro khi sử dụng thuốc Clorpheniramin 4mg trong thời gian mang thai. Tuy nhiên thai phụ là nhóm đối tượng nhạy cảm nên việc sử dụng thuốc phải được kiểm soát chặt chẽ và chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết.
Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, cần tránh sử dụng Clorpheniramin trong 3 tháng cuối thai kỳ để hạn chế rủi ro và tác dụng phụ.
3. Thuốc Clorpheniramin có dùng được cho phụ nữ cho con bú?
Thuốc Clorpheniramin 4mg không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cân nhắc về mức độ cần thiết và yêu cầu ngưng cho trẻ bú nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin cơ bản về thuốc Clorpheniramin 4mg điều trị dị ứng da và dị ứng đường hô hấp trên. Để được tư vấn rõ hơn về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc, bạn nên tìm gặp dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- (ViMed)