Sẹo lồi là hiện tượng tăng sinh collagen lành tính trên da. Vấn đề này thường đi kèm triệu chứng đau ngứa và có xu hướng tái phát sau khi bị cắt bỏ. Vậy nguyên nhân hình thành sẹo lồi là gì? Làm thế nào để điều trị dứt điểm?
Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi (tên tiếng Anh là keloid) là sự đáp ứng quá thừa với những tổn thương của các mô da trong quá trình phục hồi vết thương. Chúng thường xuất hiện sau khi các vết thương hở bắt đầu lành lại nhưng trước đó không được điều trị triệt để.
Theo quan niệm y học hiện đại, sẹo lồi là kết quả của sự tăng sinh collagen quá mức trong quá trình liền sẹo. Thông thường, những vị trí sẹo lồi không thể tự động teo nhỏ hay biến mất theo thời gian.
Cơ thể chúng ta có thể chữa lành vết thương theo cơ chế tự nhiên, bao gồm 3 giai đoạn cụ thể: phản ứng viêm, tăng sinh và tái tạo tổ chức cấu trúc. Quá trình phục hồi tự nhiên này diễn ra trong vòng 3 – 6 tháng.
Căn cứ vào vị trí – mức độ tổn thương và hình thức can thiệp, các loại sẹo được phân chia thành hai nhóm chính, đó là: sẹo bình thường và sẹo không bình thường (sẹo phì đại, sẹo lồi, sẹo có nhân xơ, sẹo bị co kéo…).
Trong đó, sẹo lồi xuất hiện khi các cấu trúc xơ phát triển quá mức trên bề mặt vùng da bị tổn thương. Nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc cẩn thận, những cấu trúc xơ này sẽ tăng sinh liên tục theo thời gian, từ từ trồi lên, nhô cao khỏi bề mặt da rồi dần dần lan rộng.
Đặc điểm
Sẹo lồi thường xuất hiện ở lưng, vai, ngực, vành tai, dái tai, phát triển trong vòng vài tháng sau khi bệnh nhân bị thương. Chúng là những khối u nổi bật màu đỏ hồng với nhiều kích thước khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tổn thương ban đầu trên bề mặt da.
Sẹo lồi có ranh giới rõ ràng với bề mặt căng bóng, hơi cứng (tương tự những khối cao su). Bên cạnh đó, độc giả có thể dễ dàng quan sát các mạch máu nằm bên dưới vết sẹo.
Vào năm đầu tiên sau khi bạn bị tổn thương, sẹo lồi sẽ phát triển lành tính và nhanh chóng, sau đó lan rộng, vượt khỏi phạm vi tổn thương ban đầu. Chúng thường nổi bật với hình dạng bất thường, sậm màu, nhẵn bóng và cứng hơn so với các phần da lành xung quanh.
Bản chất
Sự tăng sinh hàm lượng collagen quá mức bên trong cơ thể để chữa lành vết thương chính là bản chất của tình trạng này. Do đó, sẹo lồi không ảnh hưởng tới sức khỏe hay gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sẹo lồi có khả năng chuyển đổi màu sắc từ màu đỏ hồng sang nâu đậm/nhạt với vỏ bọc bao quanh và đi kèm cảm giác ngứa ngáy khó chịu (vì bề mặt da căng cứng).
Trên thực tế, yếu tố thẩm mỹ chính là vấn đề đáng lo ngại nhất khi bị sẹo lồi. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị hạn chế vận động nếu vết sẹo xuất hiện ở những vị trí nhạy cảm như: khớp mắt cá chân hay khớp gối.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc sẹo lồi của những người 10 – 30 tuổi cao hơn đáng kể so với các độ tuổi còn lại. Thêm vào đó, phụ nữ có xu hướng bị sẹo lồi nhiều hơn đàn ông.
Nguyên nhân hình thành tình trạng sẹo lồi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sẹo lồi. Khi bề mặt da bị tổn thương, các tế bào biểu bì có thể nhanh chóng hình thành sẹo lồi. Dưới đây là một số nguyên nhân nhân gây ra sẹo lồi phổ biến nhất:
- Bị chấn thương, tai nạn (tạo nên vết thương hở)
- Bị trầy xước khi cạo râu, đứt tay lúc dùng dao
- Bị bỏng nước sôi, bỏng axit, bỏng hóa chất…
- Bị thương sau quá trình xỏ khuyên, xăm hình, phẫu thuật
- Bị động vật cắn
- Bị mụn trứng cá nặng
- Từng bị thủy đậu hoặc mắc phải các vấn đề về da
- Dung nạp những loại thực phẩm “tối kỵ” như: trứng, thịt bò, rau muống, hải sản… trong khoảng thời gian vết thương hở đang dần dần hồi phục
Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bị sẹo lồi lên tới 10%. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, tập trung chủ yếu ở những người Châu Á dưới 30 tuổi và phụ nữ mang thai. Ngoài ra, sẹo lồi cũng có xu hướng di truyền. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tỷ lệ bị sẹo lồi của những người sở hữu gen AHNAK cao hơn hẳn người bình thường.
Phương pháp điều trị
Về mặt nội khoa, sẹo lồi là bệnh lý da liễu lành tính. Đây vốn là dạng tổn thương thứ phát, bắt nguồn từ sự đáp ứng quá mức của một số mô liên kết. Trong đa số trường hợp, sẹo lồi chỉ là vấn đề thẩm mỹ thông thường và không ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe.
Tình trạng này rất khó điều trị và thường đi kèm khả năng tái phát cao. Hiện nay, hầu như không có một phương pháp độc nhất, chuyên biệt nào có thể đẩy lùi tận gốc sẹo lồi.
Đây chính là lý do độc giả cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn và phù hợp nhất với bản thân. Một số hướng chữa sẹo lồi mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
Sử dụng thuốc dán gel silicon
Loại thuốc này là một miếng dán dạng gel mềm, có công dụng đặc trị sẹo lồi. Vết sẹo càng mới, người bệnh càng trẻ thì khả năng đáp ứng càng cao. Trẻ em rất yêu thích phương pháp chữa trị này vì miếng dán gel silicon không hề gây đau đớn.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, kế hoạch điều trị kéo dài trung bình 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, sự bất tiện trong việc đặt và cắt miếng dán lên vị trí cần điều trị khiến nhiều bệnh nhân mất kiên nhẫn và bỏ cuộc giữa chừng. Để ngăn ngừa hiện tượng nhiễm trùng cũng như chảy nhão thứ phát ở vết sẹo, độc giả chỉ nên đắp miếng dán tối đa 22 – 23 tiếng/ngày, sau đó tháo bỏ, lau sạch vết sẹo để đảm bảo bề mặt da thoáng khí.
Băng ép
Băng ép gradient là một loại dụng cụ hỗ trợ cải thiện sẹo lồi sau khi bị phỏng hoặc vừa phẫu thuật, từ đó đề phòng tái phát. Bên cạnh đó, cách làm này còn được ứng dụng để điều trị sẹo lồi sau khi sử dụng băng keo flurandrenolide hoặc thoa một loại steroid mạnh. Băng thun, băng ace, băng dán tai, băng nén (coban), băng có ống hỗ trợ là những loại băng ép góp phần hỗ trợ đẩy lùi sẹo lồi.
Cột thắt
Kỹ thuật này thường được áp dụng cho các trường hợp sẹo lồi có cuống, tại những vị trí không thể cắt bỏ hoặc bệnh nhân không muốn cắt. Lúc này, bác sĩ sẽ cột chặt một loại chỉ sinh học không tan 4 – 0 xung quanh đáy sẹo và thay chỉ hàng tuần.
Theo thời gian, những sợi chỉ này sẽ ăn sâu vào gốc sẹo, khiến gốc sẹo rơi ra bên ngoài. Đôi khi, bạn cần thêm uống thuốc giảm đau (acetaminophen) trong vòng vài ngày sau khi thắt sẹo.
Tiêm thuốc corticosteroid
Với cấu trúc gốc steroid, các loại thuốc corticosteroid (ví dụ triamcinolone acetonide) thuộc nhóm thuốc kháng viêm có tác dụng khá mạnh. Chúng được tổng hợp tại tuyến thượng thận.
Khi phối hợp với sự hydrat carbon, thuốc corticosteroid có thể xoa dịu nhiều phản ứng viêm và làm sẹo lồi xẹp dần. Thông thường, căn cứ vào cơ địa và mức độ nặng – nhẹ, mỗi đợt tiêm nhóm thuốc này cách nhau khoảng 1 – 2 tháng.
Cách làm này rất đơn giản, dễ dàng và có thể mang đến hiệu quả cao đối với các vết sẹo phì đại. Thế nhưng, thuốc corticosteroid cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn như: mọc lông, teo da, nổi mụn trứng cá, giãn mạch, rối loạn kinh nguyệt… Do đó, bạn hãy chủ động tìm hiểu thông tin và lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng.
Chiếu tia laser
Điều trị sẹo lồi bằng tia laser là phương pháp tiên tiến, hiện đại, thường được các bệnh viện da liễu ứng dụng:
- Tia laser argon thường mang đến kết quả khả quan đối với các trường hợp sẹo mới và đang sinh mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây không phát hiện bất cứ sự cải thiện nào của tia laser argon trong quá trình chữa trị sẹo lồi ngoại trừ tác dụng giảm ngứa và kiểm soát một số triệu chứng khác trong khoảng vài tháng đầu tiên.
- Tia laser CO2 khi được ứng dụng đơn độc có thể dẫn đến tỷ lệ tái phát là 40 – 90%. Ngay cả khi kết hợp với nhóm thuốc corticosteroid sau phẫu thuật, kỹ thuật này vẫn gây ra nhiều rủi ro tái phát. Công dụng chủ yếu của tia laser CO2 là làm xẹp sẹo lồi, từ đó tạo tiền đề để chúng được loại bỏ hoàn toàn bằng một số phương pháp khác.
- Tia laser ND:YAG (neodymium; yttrium-aluminum-garnet) có thể trực tiếp tác động đến khối da lồi và làm mềm vết sẹo. Thế nhưng, hiệu quả lâu dài của kỹ thuật này vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể.
- Tia laser nhuộm màu dạng xung Pulsed Dye Laser (PDL) mang bước sóng 585 – 595nm đã cho thấy khả năng điều trị bước đầu thành công trong một số trường hợp. Loại tia này có thể phá hủy những mạch máu đang nuôi dưỡng mô sẹo, làm mềm da, tạo nên hiện tượng thiếu máu cục bộ ở vết sẹo, khiến chúng giảm dần kích thước – độ dày và ngừng phát triển theo thời gian.
Nhìn chung, sau một khoảng thời gian áp dụng, phương pháp điều trị sẹo lồi bằng tia laser chưa mang đến hiệu quả thực sự rõ rệt, không thể ngăn cản triệt để quá trình phát triển của sẹo lồi, cũng như dễ dẫn tới hiện tượng tái phát.
Xạ trị
Bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc phương pháp xạ trị cho các ca sẹo lồi nghiêm trọng. Xạ trị có thể được ứng dụng như một liệu pháp đơn độc hoặc kết hợp với phẫu thuật để tăng cường hiệu quả và dự phòng tái phát (tỷ lệ thành công trong trường hợp này khoảng 88%).
Cách làm này sẽ hiệu quả hơn hẳn nếu được thực hiện vào 2 tuần đầu tiên sau khi bệnh nhân được cắt bỏ sẹo lồi (đây là khoảng thời gian những nguyên bào dạng sợi đang phát triển). Liều chiếu xạ thường được chỉ định là 300rads (5Gy), 4 lần/ngày trong vòng 4 – 5 ngày hoặc 500rads (5Gy), 4 lần/ngày trong vòng 3 ngày kể từ ngày phẫu thuật.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phương pháp xạ trị có thể gây tăng sắc tố da và kéo theo rủi ro ung thư tế bào vảy da. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc tiến hành từng đợt xạ trị liều cao 1200Gy ngắn trong 24 tiếng đầu tiên sau khi phẫu thuật sẽ mang đến kết quả khả quan với tỷ lệ tái phát chỉ 4.7%.
Phẫu thuật can thiệp
Bác sĩ chuyên khoa sẽ can thiệp ngoại khoa nếu các phương pháp điều trị trên không phát huy công dụng. Lúc này, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng cắt bỏ mô sẹo, sau đó khâu kín và ghép da với một mảnh da toàn phần hoặc ghép với một vùng da mỏng nhằm làm giảm lực căng trên toàn bộ phần da đã khâu.
Tỷ lệ tái phát của thủ thuật phẫu thuật thông thường (không đi kèm một số biện pháp phụ trợ hậu phẫu) là 50 – 80%. Trước khi loại bỏ sẹo lồi, bác sĩ sẽ xem xét một số yếu tố nguy cơ thường đi kèm khả năng tái phát của vết sẹo, bao gồm:
- Tiền sử gia đình liên quan đến tình trạng này
- Vị trí phẫu thuật ở đâu và có bị nhiễm trùng không
- Loại chấn thương hình thành sẹo lồi
- Hiện tượng căng da trong giai đoạn hậu phẫu
- Da bị sậm màu trong nhóm 4 – 6 theo hệ thống phân loại Fitzpatrick
Phẫu thuật thông thường
Hình thức xâm lấn quen thuộc này bao gồm hai bước chính, đó là loại bỏ sẹo lồi và tiêm thuốc corticosteroid. Đa số ca bệnh đều cần kết hợp một số hướng điều trị phụ trợ như: băng ép, tiêm interferon, sử dụng kem imiquimod hay dùng miếng dán dạng gel silicon.
Bệnh nhân được khuyến cáo giữ yên vết mổ trong khoảng 10 – 14 ngày vì hỗn hợp lidocaine/steroid (có công dụng gây tê) sẽ khiến vết thương chậm lành.
Nếu sau khi cắt bỏ, vết sẹo quá lớn và không thể khép miệng được, bác sĩ chuyên khoa sẽ chèn chất bành trướng mô vào bên dưới sẹo lồi. Hợp chất này giúp đóng miệng vết thương và không gây căng da.
Kỹ thuật bào mòn mô sẹo sao cho ngang bằng với bề mặt vùng da xung quanh sẽ được thực hiện trong trường hợp người bệnh bị sẹo nhiều, lớn và không thể tiến hành cắt bỏ. Sau đó, họ sẽ được thoa imiquimod liên tục 8 tuần.
Phẫu thuật lạnh
Phẫu thuật đông lạnh sẹo lồi bằng nitrogen dạng lỏng ở nhiệt độ – 196 độ C có thể hủy hoại các mao mạch và tế bào sẹo lồi. Theo thời gian, vì thiếu nguồn dưỡng khí oxy, mô sẹo từ từ hoại tử, bong tróc và xẹp xuống. Thông thường, bác sĩ sẽ phun hoặc áp trực tiếp nitrogen lỏng lên vị trí cần điều trị với tần suất 2 – 3 tuần/lần. Theo thống kê, khoảng 1/2 ca sẹo lồi được cải thiện rõ rệt sau 8 – 10 lần thực hiện.
Tỷ lệ thành công của phương pháp phẫu thuật lạnh là 50 – 70%. Khi kết hợp với việc tiêm thuốc steroid, con số này có thể lên đến 84%.
Ngoài ra, y học hiện đại cũng đang nghiên cứu – phát triển một số liệu pháp điều trị sẹo lồi tiềm năng như:
- Quercetin (một loại flavonoid có công dụng gây co thắt và ức chế quá trình phát triển những nguyên bào sợi dư thừa trong mô sẹo)
- Prostaglandin E2 (dinoprostone) giúp sửa chữa, hồi phục vết thương
- Black light – tia UVA bước sóng dài (340 – 400mm; UVAl) có khả năng giảm thiểu số lượng tế bào bón (mast cell), từ đó đề phòng hiện tượng tái phát sẹo lồi
- Chất ức chế tế bào bón mạnh
Một số lưu ý khi chăm sóc sẹo lồi
Quá trình hồi phục của sẹo lồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ địa, vị trí, mức độ nặng – nhẹ… Vì vậy, bệnh nhân cần chăm sóc vết thương cẩn thận, sinh hoạt điều độ và tuân thủ mọi chỉ định chuyên khoa.
- Thường xuyên vệ sinh, sát trùng vết thương
- Bôi kem dưỡng da mỗi ngày
- Uống thuốc Tây, thoa thuốc mỡ và kem liền sẹo theo hướng dẫn của bác sĩ
- Nếu muốn xỏ khuyên, bạn cần lựa chọn bông tay chuyên dụng để giảm thiểu áp lực hình thành sẹo lồi
- Tuyệt đối không gỡ mài nếu vết thương chưa lành hẳn, thay vào đó, hãy để chúng tự khô lại và rụng đi
- Không sờ chạm vào bề mặt vết thương
- Sau khi vết thương hoàn toàn hồi phục, bạn nên sử dụng miếng gel silicon liên tục 12 – 24 tiếng/ngày trong vòng 2 – 3 tháng
- Kiêng cữ hải sản, trứng, gạo nếp, thịt bò, thịt gà…
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, protein và chất kẽm
- Tránh để vết thương ứ nước hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Tuy sẹo lồi không tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể nhưng lại gây ảnh hưởng lớn tới yếu tố thẩm mỹ, khiến bệnh nhân lo lắng và kém tự tin. Hơn nữa, sẹo lồi không tự biến mất theo thời gian mà cần được điều trị kiên trì, tích cực. Đây chính là lý do chúng ta nên chủ động phòng ngừa tình trạng này ngay từ đầu.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: