Nổi mụn tuổi dậy thì là vấn đề da liễu bình thường và phổ biến. Thông thường, mụn sẽ xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau trên làn da trẻ, tập trung chủ yếu ở mặt, ngực và lưng. Độc giả cần xác định cụ thể nguyên nhân và tình trạng (số lượng, mức độ) mụn nhằm tìm ra biện pháp điều trị hiệu quả, phù hợp.
Vì sao trẻ bị nổi mụn tuổi dậy thì?
Khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, sự gia tăng lượng hormone giới tính androgen quá mức sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, từ đó sản sinh nhiều dầu thừa và bã nhờn. Theo thời gian, điều này khiến các lỗ chân lông bị bít tắc và tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn Propionibacterium Acnes sinh sôi.
Khi vi khuẩn phát triển nhanh chóng, các nốt mụn bắt đầu xuất hiện, sưng đỏ rồi phát viêm. Vì lỗ chân lông bị tắc nghẽn quá lâu nên những u nang được hình thành. Nếu các vị trí này bị viêm sâu, nhiều vết thương lớn gây đau dưới da sẽ xuất hiện.
Thêm vào đó, đối với bé gái, sự thay đổi nội tiết tố vì rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc tránh thai hoặc việc mang thai cũng có thể dẫn đến nổi mụn, đặc biệt là . Việc sử dụng dầu dưỡng, kem dưỡng, thuốc nhuộm tóc không phù hợp cũng là một trong những tác nhân gây ra hiện tượng này.
Theo các chuyên gia da liễu, tình trạng nổi mụn tuổi dậy thì thường bắt nguồn từ 12 nguyên nhân phổ biến sau:
- Vệ sinh cơ thể không đúng cách: Nếu trẻ vệ sinh da mặt không sạch sẽ hoặc tắm rửa không thường xuyên, mồ hôi, bụi bẩn và bã nhờn sẽ tích tụ trên bề mặt da, lâu dần làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Đây chính là cơ hội tốt để vi khuẩn tấn công, gây mụn.
- Thay đổi nội tiết tố: Trong lứa tuổi dậy thì, cơ thể sản sinh nhiều hormone giới tính đến mức dư thừa, thúc đẩy tuyến bã nhờn tăng cường hoạt động. Khi lượng bã nhờn lớn này không được làm sạch và loại bỏ, chúng sẽ ứ đọng sâu trong lỗ chân lông, đồng thời thu hút bụi bẩn và vi khuẩn gây hại, từ đó khiến da bé nổi mụn. Vì vậy, các bạn trẻ trong độ tuổi dậy thì dễ bị mụn ở những vị trí tập trung nhiều tuyến bã nhờn như: mũi, cằm, trán hay hai bên má.
- Tác dụng phụ của các loại thuốc Tây: Thuốc corticoid, thuốc kháng sinh và một số loại thuốc điều trị động kinh có thể gây nổi mụn ở tuổi dậy thì. Thói quen lạm dụng hoặc sử dụng thuốc Tây bừa bãi, kéo dài, không tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa dễ dẫn đến vấn đề da liễu này.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không đúng cách: Đây cũng là một trong những yếu tố gây nổi mụn ở tuổi dậy thì. Vào giai đoạn này, làn da của bé khá nhạy cảm và mỏng manh. Nguy cơ nổi mụn sẽ tăng lên đáng kể nếu các em vô tình dùng phải những sản phẩm chăm sóc da (sữa tắm, sữa rửa mặt, kem dưỡng…) chứa chất tẩy mạnh hoặc có thành phần không phù hợp với làn da.
- Áp lực, căng thẳng quá mức: Trong giai đoạn này, thanh thiếu niên phải đối mặt với nhiều áp lực xuất phát từ kỳ vọng quá lớn từ gia đình, nhà trường. Tâm lý căng thẳng trong một thời gian dài không chỉ khiến làn da suy yếu mà còn làm rối loạn nội tiết tố. Đây chính là thời điểm làn da trẻ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây mụn.
- Tác động từ ánh nắng mặt trời: Nhiều trẻ em trong lứa tuổi dậy thì chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ làn da trước ảnh hưởng tiêu cực từ ánh nắng mặt trời, đặc biệt là các bạn trai. Sự chủ quan này là nguyên nhân khiến bé nổi mụn. Khi tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời, các sợi liên kết dưới da sẽ bị suy yếu và đứt gãy. Điều này khiến da mất dần độ đàn hồi, lão hóa nhanh hơn, do đó, làn da dễ bị tấn công hơn.
- Di truyền: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tình trạng nổi mụn ở tuổi dậy thì có liên quan mật thiết với yếu tố di truyền. Những bé có cha mẹ, anh chị bị nhiều mụn trong độ tuổi dậy thì thường có nguy cơ mắc vấn đề này cao hơn.
- Môi trường ô nhiễm: Bụi bẩn, khí thải công nghiệp, khói thuốc lá từ môi trường xung quanh trường học hoặc nhà ở cũng là tác nhân khiến tế bào da trẻ suy yếu và tổn thương. Lúc này, lỗ chân lông thường xuyên bít tắc vì bã nhờn, bụi bẩn. Đó chính là lý do làn da trẻ mắc phải nhiều vấn đề da liễu như: nổi mụn, viêm da, …
- Không/ít tẩy tế bào chết: Theo quy luật tự nhiên, mỗi phút, có hàng ngàn tế bào mới được sản sinh, đồng thời hàng ngàn tế bào cũ bị già cỗi. Trong đó, nhiều tế bào chết không thể tự bong tróc mà bám chặt vào bề mặt da. Chúng bịt kín lỗ chân lông, kết hợp với dầu nhờn và bụi bẩn để khiến trẻ nổi mụn.
- Ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn uống kém hợp lý, không đầy đủ dưỡng chất hoặc lạm dụng đồ ngọt, thức ăn nhanh, nước ngọt có ga… làm làn da bé suy yếu, dễ viêm nhiễm và bị mụn tấn công.
- Thức khuya thường xuyên: Khi bước vào giai đoạn dậy thì, nhiều bạn trẻ thường thức khuya học bài, lướt web hoặc chat với bạn bè. Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm thay đổi nội tiết tố, dẫn đến nổi mụn.
- Mắc bệnh lý khác: Nổi mụn ở tuổi dậy thì có thể là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý về thận, gan, túi mật hay hệ thống bạch huyết. Nếu tình trạng mụn tái đi tái lại nhiều lần hoặc kéo dài thì cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị.
Dấu hiệu nhận biết nổi mụn ở tuổi dậy thì
Mụn ở độ tuổi dậy thì có nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là một số biểu hiện chung mà độc giả có thể dễ dàng theo dõi và nhận biết:
- Khi mới hình thành, nốt mụn nổi cộm, nằm rải rác trên da và có hình dáng tương tự nốt sần.
- Nốt mụn có thể chứa nhân màu đen, trắng, trắng ngả vàng hoặc không có nhân.
- Nhiều loại mụn không khiến vùng da xung quanh thay đổi màu sắc. Trong khi đó, một số loại mụn làm da viêm tấy, sưng đỏ.
- Trong các trường hợp viêm nhiễm nặng, mụn sẽ tích mủ và sưng to. Nhân mụn ăn sâu vào da khiến bé khó chịu, đau nhức.
Mỗi loại mụn khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng, cụ thể:
- Mụn cám có kích thích li ti, chỉ bằng đầu đinh ghim, mọc tập trung thành từng cụm ở những vị trí có nhiều tuyến bã nhờn như mũi và cằm. Nhân mụn thường hơi ngả vàng hoặc có màu trắng đục.
- Mụn đầu đen có nhân mụn nhỏ, thường trồi lên trên bề mặt của lỗ chân lông. Loại mụn này được hình thành từ tế bào chết, vi khuẩn, dầu nhờn, bụi bẩn, không gây viêm da và không khiến vùng da xung quanh sưng đỏ. Ngoài ra, phần đầu nhân mụn thường ở ngoài miệng lỗ chân lông và có màu đen (vì tiếp xúc với không khí).
- Mụn ẩn chủ yếu tập trung trên trán và dưới cằm. Nhân mụn màu trắng, ẩn sâu trong da.
- Mụn bọc có kích thước lớn, gây sưng đỏ, đau nhức. Chân mụn có thể tác động đến tận lớp hạ bì và để lại sẹo trên da.
- Mụn mủ tạo thành dịch mủ màu trắng hoặc ngả vàng, làm sưng tấy vùng da xung quanh. Lớp da bao bọc nhân mụn khá mỏng manh nên rất dễ vỡ. Sau khi được điều trị thành công, loại mụn này sẽ hình thành sẹo lõm và vết thâm.
- Mụn nang có kích thước lớn nhất trong các loại mụn tuổi dậy thì. Mụn nang có hình dáng tương tự mụn nhọt, chứa nhiều mủ, ăn sâu vào da và gây đau nhức dữ dội.
Tuy không tác động tiêu cực đến sức khỏe nhưng nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng nổi mụn ở tuổi dậy thì có thể để lại nhiều vết thâm sẹo khó chữa, gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề thẩm mỹ, khiến trẻ lo lắng, kém tự tin khi giao tiếp.
Nổi mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu?
Như bài viết đã đề cập phía trên, nổi mụn tuổi dậy thì xuất hiện do sự thay đổi hormone sinh dục đột ngột khi cơ thể phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong độ tuổi dậy thì. Khi giai đoạn này qua đi, nội tiết tố của bé sẽ quay về trạng thái ổn định, cân bằng. Vì vậy, tình trạng mụn cũng giảm đi rõ rệt.
Thế nhưng, điều này vẫn phụ thuộc khá lớn vào cơ địa từng người. Trong đa số trường hợp, mụn sẽ tự biến mất khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, một số bạn trẻ vẫn bị các loại mụn “đeo bám” dù đã áp dụng triệt để nhiều phương pháp điều trị.
Các nghiên cứu cho thấy, hơn 30% trẻ em sau giai đoạn dậy thì bị nhiều mụn, viêm nhiễm nặng, khiến da bị tổn thương nhiều hơn. Do đó, khi con em bị nổi mụn tuổi dậy thì, bạn cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân và lựa chọn một trong những biện pháp xử lý dưới đây.
Hướng dẫn cách điều trị nổi mụn tuổi dậy thì hiệu quả
Có nhiều cách xử lý mụn ở tuổi dậy thì khác nhau như: tận dụng nguyên liệu thiên nhiên, dùng thuốc Tây, thoa kem trị mụn, thay đổi chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống… Người đọc cần căn cứ vào mức độ tổn thương và tình trạng nổi mụn hiện tại của bé để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Tận dụng nguyên liệu thiên nhiên
Đối với những loại mụn nhỏ, nhẹ, không gây đau nhức, độc giả có thể tận dụng các nguyên liệu thiên nhiên để cải thiện vấn đề này. Dưới đây là 2 mẹo dân gian đơn giản mà bạn có thể dễ dàng áp dụng tại nhà.
- Mật ong có tác dụng dưỡng ẩm, kháng viêm, nuôi dưỡng tế bào, bảo vệ và phục hồi làn da, đồng thời ức chế quá trình phát triển của nấm men và vi khuẩn rất hiệu quả. Để giảm nhanh tình trạng nổi mụn tuổi dậy thì, trẻ chỉ cần thoa mật ong nguyên chất trực tiếp lên da hoặc kết hợp mật ong với bột yến mạch, sữa chua, dưa leo nhằm tăng cường hiệu quả điều trị.
- Nghệ tươi mang đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, làm lành vết thương, ngăn ngừa thâm sẹo và tái tạo tế bào. Mặt nạ nghệ tươi và mật ong chính là hỗn hợp lý tưởng giúp bé điều trị nổi mụn tuổi dậy thì. Bạn trộn 2 muỗng cà phê nước cốt nghệ hoặc bột nghệ với một lượng mật ong vừa đủ, sau đó bôi hỗn hợp lên da trẻ khoảng 20 – 30 phút, rồi rửa lại bằng nước ấm, áp dụng 3 lần/tuần.
Ngoài ra, phụ huynh có thể thay thế nghệ tươi và mật ong nguyên chất bằng gel nha đam, tinh dầu tràm trà, tỏi, chanh, bơ, chuối, rau diếp cá và lòng đỏ trứng gà để đẩy lùi thâm mụn và nuôi dưỡng làn da. Các mẹo dân gian này thường chậm phát huy công dụng. Vì vậy, nếu bị nổi nhiều mụn đi kèm hiện tượng sưng viêm, tấy đỏ, cha mẹ cần kết hợp sử dụng nguyên liệu thiên nhiên với dùng thuốc Tây và chăm sóc làn da bé đúng cách.
Chăm sóc da mặt cẩn thận
Thói quen chăm sóc da mặt đúng cách có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa nổi mụn vô cùng hiệu quả. Các chuyên gia da liễu cho biết, khi chăm sóc da mặt, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Rửa mặt thường xuyên bằng nước ấm và sữa rửa mặt chứa thành phần kháng khuẩn dịu nhẹ, độ pH cân bằng với tần suất 2 – 3 lần/ngày.
- Massage nhẹ nhàng khi rửa mặt nhằm rửa trôi bã nhờn, bụi bẩn, đặc biệt là các vị trí mà tuyến bài tiết bã nhờn hoạt động mạnh mẽ như: vùng mũi, trán, má, cằm.
- Tẩy tế bào chết 2 lần/tuần để loại bỏ mọi cặn bã và giúp làn da sạch sẽ, thông thoáng.
- Tẩy trang sau khi trang điểm hoặc sau khi dùng kem chống nắng.
- Dùng kem dưỡng 2 lần/ngày để dưỡng ẩm, điều hòa sự bài tiết dầu nhờn, đồng thời tái tạo màng lipid của da. Khi nổi mụn, các bạn trẻ nên chọn các sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần dịu nhẹ, thấm hút nhanh và kết cấu mỏng nhằm ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, hạn chế sự hình thành của các nốt mụn mới.
- Sử dụng nước cân bằng (toner) sau khi vệ sinh da nhằm cấp ẩm, cân bằng độ pH, hạn chế hiện tượng khô da sau khi rửa mặt và duy trì làn da trắng sáng, mịn màng.
- Bôi kem chống nắng 20 – 30 phút trước khi ra ngoài, che chắn cẩn thận bằng nón, khẩu trang, áo khoác… nhằm bảo vệ da tối đa trước tác hại của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.
- Không trang điểm trong thời gian điều trị mụn.
- Không sử dụng những sản phẩm chứa chất tẩy mạnh, nhiều hóa chất, bởi làn da đang nổi mụn rất nhạy cảm, dễ kích ứng.
- Tuyệt đối không tự ý sờ mụn hay nặn mụn bừa bãi bởi thói quen này có thể khiến da thêm nhiễm trùng và để lại nhiều vết thâm sẹo.
Lấy nhân mụn đúng cách
Khi nhân mụn đã được đẩy lên bề mặt da, người đọc nên loại bỏ chúng để giúp các tế bào da bé nhanh chóng hồi phục. Nếu không xử lý nhân mụn kịp thời, lỗ chân lông sẽ giãn nở và tạo thành sẹo lõm sau khi lành mụn.
- Tẩy trang và rửa mặt trước khi tiến hành lấy nhân mụn để hạn chế tối đa sự viêm nhiễm hoặc kích ứng.
- Xông mặt bằng nước ấm nhằm làm mềm da, giúp lỗ chân lông giãn nở, sau đó nhân mụn sẽ được đẩy lên dễ dàng. Bên cạnh đó, bạn có thể thêm tinh dầu sả, gừng, tràm trà, vỏ chanh vào nước ấm để giúp trẻ thư giãn tinh thần, ức chế vi khuẩn và làm sạch nang lông.
- Khử trùng tay và dụng cụ nặn mụn bằng cồn y tế hay xà phòng diệt khuẩn.
- Ấn nhẹ dụng cụ nặn mụn lên nốt mụn để lấy nhân mụn.
- Thấm lau nốt mụn với nước muối sinh lý.
- Rửa sạch tay và dụng cụ nặn mụn bằng cồn y tế.
Lưu ý
- Độc giả chỉ nên lấy nhân mụn khi nhân mụn đã nổi rõ trên bề mặt da bé. Việc nặn mụn sai thời điểm sẽ khiến nốt mụn viêm nhiễm, sưng tấy và hình thành thâm sẹo.
- Khi lấy nhân mụn, phụ huynh cần thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh gây chảy máu và làm da trầy xước.
- Nếu nhân mụn ẩn quá sâu bên dưới da, bạn hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Dùng thuốc Tây
Thuốc bôi trị mụn ở tuổi dậy thì thường là dạng thuốc đặc hiệu. Khi sử dụng những loại thuốc này, da mặt sẽ trở nên nhạy cảm và mỏng manh hơn. Vì vậy, các bạn trẻ cần bôi kem chống nắng thường xuyên nhằm hạn chế tình trạng thâm sạm hoặc kích ứng. Nếu bé bị nổi mụn và sưng viêm da, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc tân dược ở dạng thuốc bôi hoặc thuốc uống.
Thuốc trị mụn dạng bôi bao gồm:
- Axit azelaic
- Axit salicylic
- Benzoyl peroxide
- Retinoid
- Thuốc bôi có chứa benzoyl peroxide với nồng độ 2,5 – 10%
- Thuốc bôi chứa thành phần acid azelaic
- Thuốc bôi chứa hoạt chất kháng sinh
Thuốc trị mụn dạng uống bao gồm:
- Azithromycin
- Clarithromycin
- Doxycyclin
- Metronidazol
- Tetracyclin
Lưu ý
- Thuốc điều trị mụn dạng uống có thể gây ra một số tác dụng phụ toàn thân, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, các bác sĩ thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi kê đơn.
- Để đảm bảo hiệu quả điều trị, bạn cần đưa bé đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc an toàn, phù hợp, tránh tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bôi kem trị mụn
Nếu 2 mẹo chữa mụn dân gian được đề cập phía trên không mang lại hiệu quả thì các bạn trẻ nên cân nhắc sử dụng kem trị mụn. Hiện nay, các loại kem trị mụn trên thị trường rất đa dạng và phong phú. Độc giả có thể lựa chọn loại kem phù hợp nhất với tình trạng nổi mụn của con em dựa trên những lưu ý sau:
- Kem trị mụn được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên hoặc có thành phần phù hợp với đặc điểm làn da.
- Sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đến từ những thương hiệu uy tín.
- Không dùng kem chứa corticoid hay các hóa chất độc hại.
- Nếu da trẻ bị nổi mụn do tiết quá nhiều dầu nhờn thì các loại kem trị mụn không chứa gốc dầu là sự lựa chọn phù hợp nhất.
- Các loại kem trị mụn với kết cấu lỏng rất thích hợp với làn da khô, vừa hỗ trợ điều trị mụn vừa góp phần cân bằng độ ẩm của làn da.
Ngoài ra, điều trị bằng công nghệ cao là phương pháp sau cùng được lựa chọn để giải quyết vấn đề nổi mụn ở tuổi dậy thì. Hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ và bệnh viện da liễu đã ứng dụng các công nghệ mới (Bio Light, Blue Light, Oxy Jet, Laser CT3…) nhằm đẩy nhanh quá trình điều trị, làm khô nhân mụn, kích thích sản xuất collagen, đồng thời tái tạo làn da, ngăn ngừa thâm sẹo.
Ăn uống khoa học, hợp lý
Chế độ ăn uống ảnh hưởng khá lớn đến tình trạng nổi mụn ở tuổi dậy thì. Do đó, các bạn trẻ nên chủ động điều chỉnh thực đơn hàng ngày sao cho cân bằng, hợp lý, dựa trên nguyên tắc sau:
- Uống nhiều nước (1,5 – 2 lít nước/ngày), tăng cường lượng trái cây và rau xanh trong thực đơn. Nước, chất xơ, vitamin và khoáng chất từ nhóm thực phẩm này có khả năng cấp ẩm, kháng viêm, nuôi dưỡng và tái tạo tế bào, điều hòa hoạt động của tuyến bài tiết, đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa sưng viêm.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm trong trứng, sữa, sô cô la đen, động vật có vỏ (nghêu, hàu, cua, ốc, hến), các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu lăng), các loại hạt (hạt bí, hạt lanh, hạt gai dầu), ngũ cốc nguyên hạt (gạo, lúa mì, yến mạch, quinoa).
- Ưu tiên tiêu thụ những loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn (probiotic) như: kim chi, sữa chua, súp miso… Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần lợi khuẩn trong nhóm thực phẩm này có công dụng giảm viêm và điều tiết sự bài tiết bã nhờn.
- Tránh dung nạp thức ăn nhiều đường và sữa có nguồn gốc từ động vật. Nhóm thực phẩm này sẽ làm tăng nồng độ insulin trong máu, từ đó đẩy mạnh quá trình sản xuất dầu nhờn, khiến nang lông thêm viêm nhiễm.
- Hạn chế dùng đồ ăn vặt, thức ăn nhanh cùng thực phẩm chế biến sẵn. Những loại thực phẩm này chứa nhiều gia vị, dầu mỡ và chất bảo quản. Vì vậy, chúng có thể kích thích da đổ dầu, khiến các nốt mụn thêm sưng tấy và viêm đỏ.
Bên cạnh khả năng cải thiện tình trạng nổi mụn cũng như ức chế hoạt động sản xuất dầu nhờn, chế độ ăn uống lành mạnh còn góp phần nuôi dưỡng tế bào, phòng tránh bùng phát nhiều bệnh lý và phòng ngừa thâm sẹo.
Điều chỉnh lối sống
Những thói quen tốt sau đây sẽ giúp các bạn trẻ nhanh chóng cải thiện vấn đề nổi mụn ở tuổi dậy thì:
- Ngủ đủ giấc (8 tiếng/đêm) và đúng giờ (9 – 10 giờ tối).
- Tránh lạm dụng hoặc sử dụng thuốc Tây bừa bãi.
- Xây dựng kế hoạch học tập – nghỉ ngơi điều độ, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi quá mức.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng, hợp lý.
- Tập thể dục 15 – 30 phút/ngày.
- Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
- Tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu hay dùng chất kích thích.
Trên thực tế, việc kết hợp hài hòa giữa chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen sinh hoạt khoa học có thể rút ngắn thời gian điều trị các loại mụn tuổi dậy thì một cách đáng kể. Ngoài ra, những biện pháp này còn giúp giảm nhẹ mức độ tổn thương, thâm sẹo cũng như phòng ngừa nổi mụn vô cùng hiệu quả.
Tình trạng nổi mụn ở tuổi dậy thì thường tự khỏi khi trẻ trưởng thành. Lúc đó, nội tiết tố của cơ thể trở nên ổn định, cân bằng, vấn đề da liễu này sẽ tự khắc biến mất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mụn vẫn tiếp tục “đeo bám” và gây ra nhiều phiền toái. Điều quan trọng là các bạn trẻ cần chăm sóc da cẩn thận, bổ sung đầy đủ dưỡng chất và duy trì thói quen lành mạnh. Ngoài ra, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: